Cái khó khăn nhất của nghề kiến trúc, có lẽ vẫn không đi ngoài vấn đề mưu sinh, là câu chuyện của cơm áo gạo tiền… vì kiến trúc vốn không phải là nghề cho ai muốn "làm giàu"…
Trong suốt gần 20 năm bám trụ với nghề, chúng tôi hiểu rõ sự khốc liệt của nghề. Chắc chắn rằng, thời điểm đầu làm nghề, hầu hết các Kiến trúc sư đều từng rơi vào trạng thái giữa theo đuổi đam mê kiến trúc hay chọn việc cho mưu sinh. Mâu thuẫn này kéo dài dai dẳng. Nhiều người theo đuổi đam mê rồi phải dừng lại, tìm cho mình một công việc hoặc hình thức thiết kế khác có "thu nhập" cao hơn, hoặc có khả năng "công nghiệp hoá" được. Rồi không ít lâu sau, vì không chịu nổi sự "u uất bất đắc chí" của nội tâm, của khao khát muốn "ghi danh" với đời, họ lại từ bỏ tất cả, để trở về với đam mê… Cũng có người, sau bao năm buôn ba, cuối cùng rồi cũng phải dứt áo ra đi, không thể "ở lại" với nghề…
Với I.HOUSE, khi đi theo một lối đi còn hẹp hơn nữa so với các đồng nghiệp - kiến trúc tối giản xanh, chúng tôi hiểu rằng đó còn là con đường khó khăn hơn nữa cho chuyện "kinh tế"…
Trong hành trình của mình, có quá nhiều khó khăn, cũng nhiều cám dỗ chực lung lay ý chí kiên định của chúng tôi với con đường ấy. Nhiều thời điểm công ty không có "việc", trong khi ấy, rất nhiều dự án có định hướng khác với "tối giản xanh" lại gõ cửa… Đó đều là những dự án có "giá trị về tiền", chỉ là không phải lối kiến trúc chúng tôi đang theo đuổi… Thế nhưng, đã được tổ nghề lựa chọn, đã xác định theo đuổi kiến trúc tối giản xanh, I.HOUSE nhất quyết nói không với các dự án không cùng định hướng này.
Và vì thế, để "sống và phụng sự cho kiến trúc tối giản xanh" - sống được với đam mê, chúng tôi biết mình phải tự cân bằng và nhẫn nại hơn hết… Những thành quả, sự quan tâm của ngày càng nhiều chủ đầu tư chất lượng đã cho chúng tôi thấy sự nỗ lực và bền bỉ của tập thể đã và đang được "hồi đáp", chỉ cần chuyên tâm phát triển nghề, sớm ngày chúng tôi sẽ hái được "quả ngọt"…