Khi loại bỏ hết các chi tiết rườm ra, Kiến trúc tối giản xanh đã biến mỗi đường nét, mảng tường và mảng sáng thành những câu chuyện độc đáo. Tối giản xanh không chỉ đơn thuần là một phong cách Kiến trúc, đó còn là sự trải nghiệm cảm xúc của chủ nhân của không gian, đơn giản nhưng muôn phần tinh tế.
Phong cách tối giản xanh đúng như tên gọi của nó, là bắt đầu bằng "tối giản"-"Less is more", chú trọng việc giảm thiểu đến tối đa việc trang trí trong không gian nội thất, với mục tiêu "đơn giản hơn, sở hữu ít hơn để tận hưởng cuộc sống được nhiều hơn". Đi ngược lại các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và chi tiết trang trí phức tạp phong cách này hướng đến việc loại các vật dụng thừa thãi nhằm giữ lại một không gian trống hoàn hảo.
Chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm cũng như phong cách thiết kế và trang trí Nhật Bản, đồng thời được xây dựng trên nền tảng triết lý “Less is more”, việc trang trí nội thất theo phong cách Minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới. Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt phẳng này chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản. Sử dụng những đường nét đơn giản và sự kết hợp có tính toán của các mặt phẳng, không gian nội thất theo phong cách này là một tổng thể thống nhất, chặt chẽ về bố cục và nhất là giữ lại được một không gian kiến trúc đẹp, thoáng đãng, rộng rãi.
Tất cả những gì không cần thiết được coi là thừa thãi và được loại bỏ, từ đường nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất. Bản thân những đồ đạc nội thất có ý nghĩa công năng cũng được hạn chế tối thiểu, là một thành phần cấu thành yếu tố trang trí, và được coi như những tác phẩm điêu khắc. Tất nhiên với hình thức, chi tiết cũng tối giản nhưng tinh tế.