Khái niệm về tối giản xanh "Eco-Minimalism" xuất hiện từ những năm 90 được khơi nguồn cảm hứng từ những thiết kế bền vững, giảm tác động lên môi trường. Ngoài đại diện cho 1 trường phái kiến trúc với những công trình hướng đến kết nối sâu sắc với cây xanh, "càng ở càng đẹp", Eco-Minimalism ngay sau đó nhanh chóng phát triển thành "lối sống" đẹp, là luồng tư tưởng chung kết nối cộng đồng với quan tâm sâu sắc về đời sống tinh thần chất lượng và thuận tự nhiên.
Từ đầu thập niên 90s, tác giả cụm từ “Eco-Minimalism” là KTS Howard Liddell và chuyên gia tư vấn năng lượng Nick Grant đã đưa ra những khái niệm đầu tiên cho thuật ngữ này với nghĩa nguyên thuỷ để dùng cho các công trình được thiết kế với mục tiêu giảm thiểu tác động với môi trường, là những ý tưởng gần như khởi thuỷ đặt nền móng cho "trách nhiệm xã hội" đối với những công trình xây dựng "bền vững" khi công nghệ vẫn còn lạc hậu.
Sau này, Eco-Minimalism được phát triển và hình thành trở thành một "phong cách sống", một "lối sống" đẹp mà con người hiện đại theo đuổi. Nhiều nhóm người họ tự lựa chọn và cam kết theo lối sống này, cùng tạo nên các cộng đồng để hỗ trợ và chia sẻ với những người cùng quan tâm các trải nghiệm của bản thân. Tối giản xanh bắt đầu từ việc tối giản những nhu cầu cá nhân, sinh hoạt, ăn uống, rồi đến một không gian sống "less is more" đang được phản ánh ngày càng nhiều trong kiến trúc hiện đại.
Nội dung chính của phong cách “Eco-Minimalism”: bên cạnh việc mang đầy đủ những đặc điểm về không gian, ánh sáng, màu sắc, bố cục của phong cách Modern Minimalism (Tối giản hiện đại), còn là sự nhất quán, hài hoà và “tôn trọng” thiên nhiên cũng như các quy luật của tự nhiên. Một số nét đặc điểm chủ đạo của phong các tối giản xanh phải kể đến như sự gắn kết hài hoà giữa không gian bên trong và ngoài, người kiến trúc sư cần phải khai thác tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, nói KHÔNG với việc sử dụng “nhựa” đối với vật liệu hoàn thiện. Đặc biệt, đó là quá trình nghiên cứu và phát triển không ngừng của đội ngũ, đưa vào các thiết kế ứng dụng các giải pháp, các sáng kiến “xanh” vào từng công trình. Kết quả sau mỗi công trình, là sự gắn kết, hài hoà giữa con người và không gian sống, mà để cảm nhận sâu hơn nữa, nhìn kỹ hơn nữa, sẽ thấy bản chất của tối giản xanh chính là làm cho mọi thứ trở về với tự nhiên, trở về với sự bình an và hạnh phúc vốn có của cuộc sống khi "thuận với thiên nhiên"…